Thursday, November 1, 2007

Hoài Linh - Kì 2: Bôn ba nơi đất khách


Rời Việt Nam, Hoài Linh tiếp tục cuộc sống mưu sinh tại một đất nước xa lạ bằng công việc chạy chợ cho gia đình người bác. Rồi nhà anh ra ở riêng, anh bắt đầu kiếm tiền với đủ thứ nghề như: công nhân hãng thịt, thợ hàn điện v.v. Trong một buổi đi hát văn nghệ, anh tình cờ quen một số nghệ sĩ và nhen nhóm ước mơ theo đuổi nghệ thuật. Câu chuyện tiếp tục được kể lại qua bức thư do chính tay Hoài Linh viết vội gửi về cho Mực Tím...




Chuyến bay đáp xuống sân bay Orlando (Florida) lúc ấy đã gần 11 giờ đêm. Sau hai mươi mấy tiếng đồng hồ ngồi trên máy bay, cả gia đình tôi ai cũng mệt mỏi rã rời, phần là do lần đầu tiên đi máy bay, phần là do thức ăn trên máy bay rất khó ăn nên trông ai cũng xanh xao như người bị... sốt rét. Ra sân bay đón chúng tôi có hơn 10 người gồm hai gia đình: một là gia đình cậu bà con với mẹ tôi và một là gia đình người bạn ngày xưa của bố mẹ tôi, cũng là người đã làm giấy bảo trợ gia đình tôi sang tiểu bang này. Ra khỏi sân bay tôi bỗng rùng mình vì cái lạnh cắt da cắt thịt. Cuối tháng 11 là cao điểm của mùa đông, trời lạnh 1 - 20C là bình thường. Tôi cảm giác trong người cứ như bị đông lạnh, răng đánh lập cập vào nhau, hai lỗ tai như muốn rụng xuống. Nhưng cái lạnh này cũng chỉ là cái lạnh bên ngoài, cái lạnh trong tâm hồn mới đáng nói. Cái lạnh của sự buồn bã và lo lắng cho tương lai nơi đất khách quê người.

Xe về đến nhà. Bác tôi đã chuẩn bị một nồi hủ tíu - một món ăn đậm chất quê hương. Mọi người vui vẻ hàn huyên, không khí dường như ấm lại. Tình bà con, tình đồng hương cũng làm chúng tôi được an ủi phần nào.

Sau một giấc ngủ say vì mệt mỏi thì tôi choàng tỉnh dậy. Cả gia đình nhà bác tôi đã đi làm hết, bác tôi cũng đã chuẩn bị thức ăn để sẵn trong tủ lạnh. Khác với suy nghĩ của tôi, món ăn Việt Nam bên này chẳng thiếu thứ gì, từ mắm muối dưa cà đến khoai mì củ đậu, tất cả đều giống hệt ở Việt Nam. Tôi thích nhất là món dưa cải do ông tôi muối, ăn cơm nóng với dưa cải và mắm ruốc trong mùa lạnh còn tuyệt hơn ăn nem công chả phượng. Thế là tôi ăn liền tù tì một tuần lễ. Sau nửa tháng làm mọi thủ tục giấy tờ, gia đình tôi thuê căn nhà khác và ở riêng. Tôi bắt đầu học lái xe. Mấy ngày đầu học lí thuyết, sau một tuần tôi thi đậu và sau một tháng tôi lấy được bằng lái xe.

Gia đình tôi lúc này đang được tiền trợ cấp nên cũng chưa ai đi xin việc làm, thời gian rảnh tôi ra ngoài chợ làm phụ bác tôi. Tôi đứng ở quầy thịt, lâu lâu phụ bác bó rau cải, sắp xếp hàng hóa. Cuối tuần thì tôi đi hát cho một nhà hàng Việt Nam. Thời gian này đã là gần Tết nên gia đình tôi gói bánh chưng bỏ mối ngoài chợ của bác tôi để bán, vừa tăng thu nhập vừa đỡ nhớ quê hương khi Tết cận kề.

Sau 6 tháng nhận trợ cấp, mọi người trong gia đình tôi bắt đầu đi làm. Tôi xin vào làm hãng thịt của người bản xứ. Trong hãng thịt lúc nào cũng để nhiệt độ lạnh ngắt nên làm trong đó chẳng khác gì thời tiết mùa đông bên ngoài. Tôi làm ở công đoạn cắt thịt cốt lết, từng tảng thịt đông đá được đưa vào máy cưa để cưa ra từng lát mỏng rồi xếp vào hộp. Chiều tan ca về nhà, chiếc áo trắng của tôi nhuộm màu đỏ choét, ai mới nhìn vào cứ tưởng tôi là... bác sĩ vừa xong ca mổ. Những lúc ấy bố hay nhìn tôi và lắc đầu ngao ngán. Thân tôi gầy còm như thế này, lại làm trong hãng đông lạnh nên bố tôi sợ tôi đổ bệnh. Thế là làm được hai tháng ở hãng thịt tôi chuyển sang hãng điện tử. Nơi làm mới của tôi chỉ ngồi làm theo công đoạn, công việc của tôi là hàn những con chíp vào bo mạch. Làm được một tháng, tôi xin nghỉ vì không chịu nổi mùi chì. Tôi trở lại công việc phụ chợ cho gia đình người bác.

Trong thời gian đi làm ở các hãng tôi vẫn đi diễn văn nghệ vào cuối tuần. Trong một dịp tình cờ tôi được hát chung với những ca sĩ nổi tiếng từ Cali qua tiểu bang tôi trình diễn. Một số anh chị sau khi diễn chung với tôi đã khuyến khích tôi sang Cali theo nghiệp ca sĩ. Tôi nghe thích lắm và ngỏ lời với bố mẹ. Ban đầu mẹ tôi phản đối kịch liệt vì mẹ lúc nào cũng muốn con cái quây quần bên nhau. Tôi đành nhờ bố tôi và dì ruột nói vào. Cuối cùng mẹ tôi cũng xiêu lòng và kì hạn trong vòng ba tháng nếu tôi không làm được gì thì phải quay về nhà. Tôi đồng ý.

Ngày tôi xách vali lên đường sang Cali, mẹ tôi khóc như mưa. Bố dúi vào tay tôi 300 USD rồi dặn dò rất nhiều, nào là phải giữ gìn sức khỏe, nào là không làm được thì thôi, đừng cố gắng... Tôi bước vội ra xe mà không dám quay lại, chỉ sợ những giọt nước mắt của mẹ làm tôi mềm lòng. Vậy là thêm một chuyến đi nữa trong đời, chuyến đi tìm tương lai trong nỗi buồn xa gia đình, một chuyến đi để tìm vận số...

No comments yet