Tuesday, October 16, 2007

Từ Nhật ký Vàng Anh đến văn hóa truyền thông







"Không ủng hộ hành vi, nhưng phải bảo vệ con người. Và phải bảo vệ những nguyên tắc ứng xử hợp đạo lý khi tham gia truyền thông"... Tác giả Trần Chí Hiền viết trên trang web của VTV như một lời khẳng định quan điểm giữa những xôn xao nhiều chiều trong vụ ồn ào đằng sau hậu trường của phim Nhật ký Vàng Anh. TTO xin đăng lại để giới thiệu với bạn đọc chính kiến của VTV trong vụ việc này.



Nhóm làm phim Nhật ký Vàng Anh chọn cách làm duy nhất đúng: sẽ nhìn thẳng vào mắt khán giả để nói về một chuyện buồn đã xảy ra. Không ai khuyến khích. Không ai ủng hộ việc làm nông nổi của cô diễn viên trẻ ấy. Cũng không nên và không thể bênh vực. Cũng là đúng khi nhiều người chê trách cô. Nhưng cần bảo vệ!

Cần phải bảo vệ, khi ở tuổi 19-20, cô gái đã không biết cách, rồi sau đó là không thể tự bảo vệ mình khỏi những ổ gà trên con đường cao tốc của cuộc sống hiện đại.

Cần phải bảo vệ, khi trên đời còn nhiều kẻ độc ác, những con chuột chũi trong thế giới ảo của Internet, lấy làm khoái trá khi có dịp "đâm chém" những người trong thế giới thật, mỗi khi người ta có sai sót. Trẻ chúng không thương, già chúng không tha. Như trường hợp này thì lỗi lầm của người khác là cơ hội hả hê của chúng, và chúng sẽ biết cách hả hê, cả trong các trường hợp khác mà người ta không có lỗi lầm. Khi có câu hỏi: Ai là người không bao giờ có lỗi, có quyền bước lên cầm đá mà ném - Đừng nghi ngờ: chúng sẽ hăm hở bước lên ném đá.

Cái gì đen thì nó mãi đen. Blog đen cũng thế. Cái cần bàn là cách cư xử cần thiết với kẻ đen. Mấy năm trước, đã có chuyện một gã đàn ông tự chụp cảnh mây mưa với người yêu, rồi khi mối quan hệ trên chấm dứt, những tấm ảnh bị tung lên Internet, còn chính hắn muối mặt cầm các tập ảnh đó đi đến các toà soạn báo để chứng minh rằng cô gái kia sa đoạ. Điều lạ lùng là ở đâu đó hắn vẫn được chấp nhận. Hắn cũng không bị trừng trị, dù có không ít các điều luật quy định rằng hành vi như thế không những đáng kinh tởm về đạo lý, mà còn phải bị trừng phạt theo pháp lý.

Tất nhiên, trường hợp mới đây có khác, chắc kẻ làm điều xấu không phải là người trong cuộc. Nhưng điều đáng nói là: Nếu kẻ cầm ảnh đi rao mấy năm trước bị trừng trị, thì những kẻ khác không dễ thản nhiên tung mọi thứ lên mạng như bây giờ, và nay mai sẽ còn tung lên nữa với sự yên tâm là không bị trừng trị.

Blog đen có nhiều và vẫn sẽ còn. Nhưng sự việc vừa qua cho thấy điều khác: Trong thế giới blog, đã nhanh chóng vang lên tiếng nói giận dữ, khinh rẻ đối với những con chuột của thế giới ảo. Trong lúc chúng ta còn lúng túng chưa tìm ra cơ chế pháp lý trấn áp blog đen, thì điều trên khiến ta có thể hy vọng và tin tưởng - như một đồng nghiệp đã viết trên báo Tuổi Trẻ - về sức mạnh của chữ nhân trong cõi mạng ảo.

Tôi trân trọng các đồng nghiệp là tác giả không ít những bài viết tương tự như vậy trên báo chí công khai vài ngày qua. Có những bài viết khác, trái hẳn, bộc lộ sự vội vã hăm hở đáng ngạc nhiên với những chuyện chẳng vui vẻ gì. Mỗi người viết báo có quan điểm và cung cách riêng, tôi không tranh luận, nhưng xin nói rằng: không phục. Không phục sự nhạy bén ấy. Không phục cách hành xử ấy. Không phục nghiệp vụ ấy.

Không ủng hộ hành vi, nhưng phải bảo vệ con người. Và phải bảo vệ những nguyên tắc ứng xử hợp đạo lý khi tham gia truyền thông. Như bảo vệ một đạo luật an toàn giao thông trên xa lộ thông tin. Trên xa lộ ấy đã có không ít tai nạn và cả tội ác. Như mọi công nghệ khác, bản thân công nghệ thông tin (cả các loại hình truyền thống và các loại hình hiện đại) chỉ là phương tiện. Nó mang tính nhân bản chỉ khi nào người ta sử dụng nó một cách có văn hóa.
Theo VTV

No comments yet