Wednesday, October 24, 2007

Hoài Linh kỳ 1: Tôi từng “chạy gạo” ở bến xe


Hẹn gặp Hoài Linh thời điểm này không phải dễ bởi lịch của anh gần như kín mít với những show lưu diễn từ Bắc chí Nam, với những cảnh quay liên tục trên phim trường. Nhưng khi Mực Tím “đặt hàng” cho anh viết tự truyện thì anh đã vui vẻ nhận lời: “Anh sẽ ráng thức đêm để viết, nhưng đừng có chê... sến à nha!”. Và đây, những dòng tâm sự đã được danh hài Hoài Linh gửi riêng cho Mực Tím...



Tôi sinh ra nơi miền thùy dương cát trắng quanh năm nắng gió khô cằn. Cam Ranh - đó là nơi chôn nhau cắt rốn của tôi. Lên 7 tuổi tôi theo gia đình vào sống tại một miền đất xa lạ, vùng đất đỏ nắng bụi mưa sình: Dầu Giây. Một địa danh xa lạ với một đứa trẻ như tôi, với cả những người miền Trung chưa một lần vào Nam. Thế rồi miền đất xa lạ ấy dần dần trở nên quen thuộc, tôi đã tập quen dần với những mùa mưa, đi học mà lúc nào trong cặp cũng có cây rút dép (cây này làm bằng cái nẹp tre, mùa mưa mang dép râu hay bị sút quai, phải kẹp vào để rút quai dép).

13 tuổi, tôi phải phụ với mẹ tôi chạy chợ. Mẹ tôi là một người đảm đang và lam lũ. Một mình mẹ làm đủ mọi nghề để nuôi năm chị em tôi. Có lẽ đến suốt cuộc đời này, tôi chẳng thể nào quên được hình ảnh mẹ tần tảo thế nào. Mẹ vừa làm hộ sinh, y tá, chẳng nề hà bất cứ việc gì. Những năm ấy mất mùa, đói kém, cơm không đủ no phải lấy sắn khoai lót dạ, củ chuối qua bữa nhưng không hiểu sao tôi lại thấy hạnh phúc lắm.

Tuy đã là ngôi sao nhưng Hoài Linh vẫn thường về quê... tắm sông cùng các em thiếu nhi

13 tuổi, tôi đã phải ra trạm kiểm soát Dầu Giây bán hàng theo mùa, lúc thì chôm chôm, lúc thì mía ghim, chuối khô, chuối sấy, lúc thì trà đá, chuối nấu, nước sâm v.v. nói chung đủ mọi thứ, miễn sao có tiền thì làm ráo trọi. Những lúc không chạy bến xe tôi lại ra ruộng mót lúa, mót khoai hoặc hái rau bắt ốc về cho nhà. Mẹ tôi chẳng muốn tôi làm những việc này nhưng vì hiểu được hoàn cảnh gia đình nên tôi trốn mẹ đi làm. Cuộc sống hồi đó tuy vất vả nhưng chị em tôi vẫn được ăn học đàng hoàng như những đứa trẻ khác. Học là tâm nguyện của bố tôi, ông thường khuyên chúng tôi và bắt buộc chúng tôi dù bất cứ hoàn cảnh nào vẫn phải theo đuổi việc học. Năm tôi học lớp 12, chuẩn bị thi tốt nghiệp thì tôi vẫn còn chạy bến xe buôn bán bởi lẽ tôi còn một trách nhiệm: lo cho hai đứa em ăn học. Có nỗi buồn nào hơn khi nhìn bạn bè được đi đây đi đó, du lịch thư giãn trước khi vào kì thi, còn tôi thì... Nhiều lúc nghĩ vậy tôi lại muốn ứa nước mắt nhưng nghĩ lại hoàn cảnh không cho phép lại thôi, nhủ lòng phải tiếp tục công việc và cố gắng nhiều hơn nữa...

Trang tự truyện mà Hoài Linh gởi cho Mực Tím

Khi tôi học xong lớp 12 thì gia đình tôi trở về lại Cam Ranh, trở về lại ngôi nhà mà tôi đã cất tiếng khóc chào đời. Mảnh đất Cam Ranh hiền hòa đã dang tay đón gia đình tôi trong một tình thương trìu mến của những người hàng xóm. Mẹ tôi trở lại làm nghề hộ sinh, các chị tôi lúc này đã trở thành những cô giáo, chỉ có tôi và hai đứa em là tiếp tục đi học. Ước mơ làm thầy giáo của tôi đột ngột bị cắt ngang vì lúc này gia đình tôi có giấy báo đi xuất ngoại. Thế là mẹ tôi cho ba anh em tôi ra ở ngoài Nha Trang học tiếng Anh. Vốn máu ham mê văn nghệ từ bé, tôi và cô em gái đăng kí thi tiếng hát hay thành phố Nha Trang. Kết quả là em gái tôi đoạt giải nhất, còn tôi đoạt giải nhì. Số tiền thưởng lúc ấy chẳng là bao nhiêu nhưng niềm vui thì bất tận. Nhận được tiền thưởng, chúng tôi khao các anh em thi chung một chầu ra trò.

Rồi duyên may đã đến, tôi gặp được anh Thành Lộc - một diễn viên kịch nói của đoàn kịch Khánh Hòa. Lúc ấy anh đang là diễn viên của đoàn ca múa nhạc dân tộc Ponaga. Anh đã rủ tôi tham gia vào đoàn, và lúc này chính là lúc tôi bắt đầu khởi nghiệp. Vào đoàn ca múa nhạc dân tộc, tôi hát dân ca, diễn hài mỗi khi thiếu diễn viên. Tuy nhiên, tôi chỉ gắn bó với đoàn được hai năm thì gia đình tôi chính thức xuất ngoại. Ngày ra sân bay, tôi cảm nhận đây là chuyến đi buồn nhất, tự nhiên trong lòng tôi bỗng thấy đau quặn thắt ruột gan...

No comments yet